Nguyễn Ngọc Nam's profile

BAEMIN BRAND - [CASE MARKETING]

BAEMIN - MÃNH THÚ MỚI TRONG THỊ TRƯỜNG GIAO ĐỒ ĂN


Trong tất cả các thương hiệu ở mọi lĩnh vực, Baemin là cái tên khiến mình khó chịu nhất. Sự khó chịu không đến đâu xa từ việc QUẢNG CÁO DỒN DẬP trên Youtube. Giống như họ đang áp đặt tâm trí người xem phải MIỄN CƯỠNG GHI NHỚ tên thương hiệu của mình vậy.

Đó là lý do vì sao trước khi viết bài này, mình luôn KHƯỚC TỪ mọi thứ liên quan đến Baemin và TRÁNH XA nó như một loại virus cần CÁCH LY. Chẳng thế mà, sản phẩm Music Marketing “Em bé” dù trở nên viral trên thị trường hồi tháng 9/2020 vừa qua cũng chẳng khiến mình bận tâm.

————————

Tình hình chỉ thay đổi khi mới đây, Baemin tiếp tục cho ra mắt thêm một MM mới nữa là “Ngọt” – sản phẩm kết hợp giữa JustaTee x Rhymastic. Vì có sự tham gia của “danh hài” Rhymastic nên mình quyết định thử thưởng thức một lần để xem với sự góp mặt của Anh, yếu tố quảng cáo (bằng lyrics) trong MV có được “nâng tầm” hay không?

Và rồi, mình thất vọng, thất vọng tràn trề.
 
Mọi thứ trong MV không diễn ra như mình nghĩ, chẳng có bất kỳ yếu tố quảng cáo nào xảy ra. Tất cả, đơn giản chỉ là một bài nhạc bình thường!

Hẳn các bạn đang tự hỏi: “Vậy tại sao một Music Video bình thường như vậy mà mình lại gán cho nó thuật ngữ Music Marketing?” Ừ thì, cũng chẳng sai đâu, vì bản chất MV này vẫn là MM, chỉ là cách thể hiện khác biệt đi thôi!

Nói đơn giản, đây là một cấp độ cao hơn trong cách quảng bá và định vị thương hiệu đấy!

————————

Vậy, nếu bạn đang thắc mắc Baemin đã làm thế nào để định vị thương hiệu (Brand Positioning) thành công với hình thức MM tưởng chừng như bình thường này, hãy tiếp tục lăn chuột xuống phía dưới để tìm hiểu nhé.

Còn nếu đang thầm “chửi thề” tại sao mở đầu dài dòng quá và chưa có ý định tìm hiểu về Case Marketing thú vị này. Không sao, cứ saved lại và chờ đến khi có nhu cầu để đọc sau nhé! 

Ok, let’s play!

————————

I. Về Baemin
1. Tại thị trường Hàn Quốc
Baemin là tên viết tắt của “Bae-dal-e-min-jok” – ứng dụng GIAO ĐỒ ĂN hàng đầu tại Hàn Quốc, được sáng lập vào năm 2010 bởi Tập đoàn Woowa Brothers Corp, có trụ sở chính đặt tại thủ đô Seoul.

Với tầm nhìn: “Sử dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để phát triển ngành công nghiệp giao hàng.” Sự ra đời của Baemin đã đem đến trải nghiệm mới cho ngành giao nhận đồ ăn trực tuyến, biến nó trở thành hoạt động tương tác hai chiều giữa người tiêu dùng và cửa hàng cung cấp.

Theo thống kê từ một số trang thông tin uy tín, Baemin hiện đang là ứng dụng GIAO ĐỒ ĂN SỐ 1 tại Hàn Quốc. Theo đó, thương hiệu có tới hơn 10 triệu người sử dụng (active), với 30 triệu đơn hàng mỗi tháng tương đương khoảng 65% thị phần tại xứ sở Kim Chi.
2. Cho đến chiến lược mở rộng sang thị trường Việt Nam

9 năm sau khi ra mắt người dùng tại quê nhà, tháng 6/2019, Baemin chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam. Cần phải nói thêm, tuy đã có 9 năm kinh nghiệm chinh chiến tại thị trường quê nhà, nhưng khi tới Việt Nam, Baemin vẫn chỉ là “kẻ đến sau” trước những ông lớn vốn đã có “vị thế” từ trước. Đó là những GrabFood, Now, Gojek hay Loship. Chính vì thế, việc Baemin “lấn sân” sang Việt Nam được xem là nước đi táo bạo. Bởi nếu thành công, họ sẽ có trong tay một thị trường tiềm năng, nơi mới chỉ chiếm 0,2% mảng giao đồ ăn. Ngược lại nếu thất bại, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.

Tại Việt Nam, Baemin nhanh chóng “thích nghi” với môi trường khi họ lập tức sử dụng chiêu bài “đốt tiền lấy thị phần” với các “ông trùm” như GrabFood hay Gojek. Kết quả, Baemin đã thực sự bùng nổ khi chịu lỗ tới gần 600 tỷ đồng trên hơn 100 tỷ doanh thu. Con số này tuy kém hơn 80 tỷ đồng so với “trùm” Foody thuộc sở hữu của SEA Group, khi vào năm 2019, báo cáo thống kê cho thấy Foody đạt doanh thu 519 tỷ đồng và lỗ sau thuế 650 tỷ đồng.

Trích báo cafeF:
“Đầu năm 2019, Woowa Brothers mua lại Vietnamm, ứng dụng được hậu thuẫn bởi Takeaway.com (Hà Lan) để làm nền tảng cho sự hình thành Baemin. Vietnamm là một trong những ứng dụng giao đồ ăn đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập từ đầu năm 2011. Đến năm 2015, ứng dụng này thâm tóm lại Foodpanda, đến từ Rocket Internet.

 
Ở Việt Nam, nhiều người biết rằng Foodpanda thuộc về công ty Đức – Delivery Hero, cũng là một tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực giao đồ ăn. Nhưng thực tế Rocket Internet từng bán toàn bộ hoạt động của Foodpanda cho Delivery Hero trước đó, ở chiều ngược lại nhận được vốn cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 38%.
 
Phía Delivery Hero năm 2018 cũng đã bán hoạt động kinh doanh tại Đức của mình cho Takeaway.com đổi lấy cổ phần. Điều này tạo nên sự sở hữu chồng chéo giữa những nhà vận chuyển đồ ăn top đầu Châu Âu và thế giới.
 
Trong một diễn biến đáng chú ý hồi cuối năm 2019 Delivery Hero đã đạt được thỏa thuận thâu tóm toàn bộ Woowa Brothers, giá trị khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này chưa thể chính thức hoàn thành bởi cục cạnh tranh của Hàn Quốc đang trong quá trình điều tra chống độc quyền. Bởi bản thân Delivery Hero cũng đang sở hữu cho mình ba ứng dụng giao đồ ăn lớn khác tại Hàn Quốc, mang tên Yogiyo, Baedaltong và FoodFly.
 
Đáng nói là, thời điểm Baemin chính thức xuất hiện tại Việt Nam diễn ra ngay sau thỏa thuận Delivery Hero – Woowa Brothers. Điều này để ngỏ rằng, có thể Delivery Hero vẫn ở đó, chờ thời cơ để có thể tái khởi động chiến dịch tại thị trường Việt Nam.”

Như vậy, mặc dù chỉ là “kẻ đến sau” nhưng Baemin cũng chẳng phải “gà mờ” trong chiến lược “đốt tiền chiếm thị phần.” Với tiềm lực tài chính dồi dào cùng cam kết đến từ các nhà đầu tư tài chính lớn, cả Baemin và Woowa Brothers đều có cơ sở cho sự thành công của thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Trích lời ông Jin Ha – Giám đốc chiến lược của Woowa Brothers Việt Nam:
“Trong vòng 2, 3 năm tới, chúng tôi cam kết sẽ đầu tư bất kỳ thứ gì cần thiết để hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược và kế hoạch mở rộng tại đây. Chúng tôi có nguồn vốn dồi dào để đáp ứng tất cả những nhu cầu đầu tư.”

II. Baemin và chiến lược thông minh
1. Chiến lược đánh chiếm

Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm tạo ra độ phủ (coverage) cho thị trường sôi động, tiềm năng, cứ địa đầu tiên Baemin chọn để hoạt động là Thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo cáo, sau một năm “hoành hành”, Baemin Vietnam đã nhanh chóng phủ sóng 18 quận tại Thành phố Hồ Chí Minh, với mỗi đơn hàng được giao trung bình trong 20 phút, tạo công việc cho hàng nghìn lao động thất nghiệp.

Thừa thắng xông lên, sau khi chinh phục thành công thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Baemin chào sân Hà Nội và Đà Nẵng lần lượt với các mốc thời gian tháng 6/2020 và tháng 3/2021. Lẽ dĩ nhiên, ở cuộc chinh chiến tiếp theo này, Baemin tiếp tục thành công trong Brand Position và biến hai thành phố lớn trở thành cứ địa tiếp theo của mình.
Sự kiện âm nhạc Vlive: VHeartbeat

Sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt “tư duy Kim Chi” của giới trẻ Việt đã giúp Baemin tung ra “chiến dịch khao vé” để tham gia sự kiện, góp phần tạo ấn tượng bước đầu với người dùng.

Với chiến dịch này, Baemin đã thành công trong việc tạo Audience Scale. Cụ thể:
Theo dòng thời gian
+ 7/6 – 9/6: Kết hợp với Vheartbeat với chương trình “khao” vé cho fans
+ 15/7 – 16/7: Lại “khao” vé Vheartbeat
+ 20/7 – 25/7: Giảm giá 70% mừng khai trương với thông điệp cùng hình ảnh truyền thông cực “bắt tai”
 
- Theo đó, kết quả thu về từ chiến dịch “khao vé”:
+ Nhận được +2126 lượt mentions với chiến dịch “khao vé”.
+ Thu hút +3900 lượt mentions trên Fanpage.
+ Kéo theo +1300 lượt mentions trên tất cả các kênh, cộng đồng giao lưu ẩm thực.

=> Như vậy, nhờ việc “bám càng” sự kiện âm nhạc nổi tiếng, chỉ trong vòng 1 tháng hoạt động, cái tên Baemin nhanh chóng trở thành hiện tượng và khắc sâu trong tâm trí khách hàng. 

Khai hỏa tại Hà Nội

Tại thủ đô, Baemin nhanh chóng khai hỏa thị trường bằng 3 cú nổ lớn.

Đầu tiên, để lôi kéo khách hàng và lái xe, Baemin tung ra loạt ưu đãi như giảm 70.000 đồng cho đơn hàng từ 70.000 đồng trở lên; giảm 25% đến 50% tùy theo số lần đặt hàng. Đặc biệt, phí giao hàng của Baemin lúc này chỉ có 15.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với các nền tảng như Now, Gojek hay GrabFood.
=> Chiến lược lôi kéo về giá, sử dụng phương pháp “đốt tiền truyền thống.”

Tiếp theo, Baemin tung gói ưu đãi khủng giảm 65% các bữa ăn ngon cùng khuyến mãi trị giá 120.000 đồng khi tải ứng dụng và đăng ký tài khoản.
=> Chiến lược thu thập Data khách hàng. Tiếp tục đốt tiền cho những khuyến mãi để có được nguồn dữ liệu tiềm năng, khai thác và sở hữu vĩnh cửu.

Cuối cùng, tạo ra tính năng mới trên ứng dụng có tên: “Tạp hóa Baemin.” Tại đây chuyên bán những món quà độc lạ, độc quyền chỉ có trên app của Baemin.
=> Đánh vào tâm lý ham muốn sở hữu đồ limited, quà tặng mà trước đây chỉ có thể có được dựa vào may mắn.

Khai hỏa tại Đà Nẵng

Đà Nẵng cũng “không thoát khỏi sự tấn công” của Baemin. Trong đợt hành quân đổ bộ vào thị trường miền Trung, Baemin đã tung ra loạt ưu đãi như: CHAODANANG, TRASUA5K,… Đặc biệt, thương hiệu còn mở rộng khung giờ hoạt động đến 24h tại 5 quận trung tâm là: Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn để phục vụ nhu cầu ăn đêm của khách hàng.

2. Chiến lược vết dầu loang
Chiến lược “vết dầu loang” của Baemin tỏ ra hiệu quả khi từng bước đưa thương hiệu “loang rộng” đúng theo nghĩa đen. Thay vì áp dụng hình thức “đánh phủ” vào các thành phố lớn gây tốn kém chi phí Marketing (giống Now và một số thương hiệu khác đang làm), Baemin lại chọn hướng đi ngược lại, đó là tập trung “đánh lẻ” từng quận nhỏ trong một thành phố.

Điểm lợi thế của chiến lược nằm ở cách nó lan tỏa rộng rãi tới các khu vực. Chiến dịch “Quán ngon quận mình” là ví dụ điển hình cho nước cờ này của Baemin. Nhờ nghiên cứu kỹ thị trường, Baemin hiểu rằng nhiệm vụ của họ không phải ĐẤU TAY ĐÔI trực tiếp với đối thủ. Điều họ cần làm là cướp đi NGUỒN LỰC từ đối thủ, chính là tệp KHÁCH HÀNG.

Đó là lý do người ta nói đây là chiến lược gây khó chịu nhất của Baemin, khi thị phần khách hàng có dấu hiệu đảo chiều và lợi thế nghiêng về “tay chơi” đến từ Hàn Quốc. Theo khảo sát của Asia Plus, Baemin hiện đang nằm trong top 3 thị trường giao đồ ăn trực tuyến (Food Delivery) với chiến lược “vết dầu loang” của mình.

III. Baemin và Music Marketing
Music Marketing luôn là “mảnh đất màu mỡ” để mỗi thương hiệu lan tỏa rộng hơn hình ảnh của mình tới cộng đồng. Rất nhanh chóng, trong vòng 3 năm hoạt động tại Việt Nam, Baemin đã kịp thời nắm bắt xu hướng này khi sở hữu cho mình 2 MV ADS cùng 1 storytelling.

1. Chiến dịch Music Marketing
Chiến dịch bao gồm 2 MV ADS và 1 Storytelling, lần lượt là:
- Quán ngon quận mình – Trấn Thành x Baemin (20/5/2020) 
- Thử chút Healthy – Amee x Karik x Baemin (20/9/2020)
- Ngọt – JustaTee x Rhymastic x Baemin (16/4/2021)

Phân tích điểm chung
Một trong những điểm chung lớn nhất của 3 chiến dịch đình đám nhà Baemin liên quan đến INSIGHT & CONSUMER BEHAVIOR.

- Insight:
+ Baemin nhắm đến đối tượng khách hàng NỮ GIỚI, chủ yếu là dân công sở, phụ nữ hiện đại.
+ Tính từ lúc ra mắt đến thời điểm hiện tại, độ tuổi từ 25-34 (nhóm tuổi trưởng thành hoặc dân văn phòng) chiếm đa số với 57.5% lượng người quan tâm. Đứng thứ nhì là độ tuổi trẻ từ 18-24 với 38.1%. Nhóm khách hàng là nữ giới vẫn chiếm đa số với 67.8%, cách biệt hoàn toàn với nhóm khách hàng là nam giới chỉ chiếm 24%.

- Consumer Behavior:
+ Những người muốn ăn ngon nhưng NGẠI di chuyển XA. Do quán ngon thường ở XA nhà.
+ Những người muốn ăn ngon nhưng NGẠI GÓP Ý cho chủ quán về chất lượng đồ ăn.
+ Từ hai điểm chung này, chúng ta rút ra được đây là KEYWORD DEEP Baemin hướng đến.

Phân tích điểm khác biệt

Chiến dịch 1: “Quán ngon quận mình” với Storytelling Video “Phụ nữ nên yêu an toàn hay thú vị?” – Trấn Thành

Key Message: “Vừa ngon lại vừa gần.”

Nếu tại Hàn Quốc, Baemin mang cho mình tầm nhìn: “Sử dụng sức mạnh của công nghệ thông tin để phát triển ngành công nghiệp giao hàng”, thì khi du nhập vào Việt Nam, tầm nhìn đó được phát triển lớn hơn và trở thành: “Thưởng thức những món ngon ở nơi bạn muốn.” Đây không đơn thuần là tầm nhìn, là tham vọng của Baemin khi lấn sân sang Việt Nam. Trên hết, nó còn là tiền đề để thương hiệu này mở rộng thêm các mảng mới như: “Baemin riders”, “Baemin kitchen”, “Cửa hàng Baemin”,… và biến Baemin trở thành “ứng dụng đặt đồ ăn quốc dân” tại Việt Nam cũng như quê nhà Hàn Quốc.

Content Storytelling 
Ra mắt trong 2 tuần và thu về gần 3 triệu lượt xem trên nền tảng Youtube, storytelling video: “Phụ nữ nên yêu an toàn hay thú vị?” (PNNYATHTV) do MC Trấn Thành “thổi hồn” đã cho khán giả góc nhìn độc đáo khi sử dụng hình ảnh ẩn dụ giữa TÌNH YÊU và ẨM THỰC với Baemin là “cây cầu” kết nối.

Cụ thể, dựa trên hai yếu tố AN TOÀN và THÚ VỊ trong tình yêu, nội dung video mở ra hình ảnh đối lập mới, đó là: ĐÀN ÔNG vs ĐỒ ĂN.

- Một người đàn ông AN TOÀN giống một món ăn TẦM TRUNG, tuy không ngon nhưng ở mức “chấp nhận được”. Ngược lại, người đàn ông THÚ VỊ giống ẩm thực THƯỢNG HẠNG, đem đến cho người phụ nữ tình yêu ĐÊ MÊ.

- Đến đây, key content đầu tiên xuất hiện với hai nhận định chính:
(1)  Đàn ông thú vị thường “khó giữ” và “khó tìm”  => Giống quán ăn ngon thường KHÔNG GẦN NHÀ.
(2) Đàn ông thú vị luôn biết cách LÀM MỚI khiến người phụ nữ luôn cảm thấy TÒ MÒ, HẤP DẪN => Ngụ ý Baemin muốn ám chỉ là ứng dụng kết nối giúp người phụ nữ có thể dễ dàng tìm thấy và sở hữu “cái mới” xung quanh vào BẤT KỲ THỜI ĐIỂM nào.

- Tiếp theo, chúng ta có đoạn chuyển ý sang key content số 2:
(1) Đề cập đến “nỗi đau” của người phụ nữ khi yêu đàn ông thú vị (bad boy) là sự BẤT AN. Vì nỗi sợ đó mà phụ nữ bất chấp dẹp bỏ sự thú vị. Baemin liên hệ trực tiếp đến việc “mất công đi xa nhưng quán đó lại không vừa ý” => Thà ăn quán quen gần nhà, không ngon nhưng tạm chấp nhận được.

=> BAEMIN ONE HIT: Đánh trực tiếp vào nỗi đau NGẠI ĐI XA và LƯỜI của khách hàng!

(2) Cuối cùng, nhấn mạnh chọn THÚ VỊ hay AN TOÀN đều không đúng, vì có quyền SỞ HỮU CẢ HAI nhưng phải NÓI RA => Ngụ ý Baemin sẽ giúp thực hiện điều đó, hãy LIÊN HỆ với Baemin.

=> BAEMIN KNOCK-OUT: Tải App ngay để vấn đề được giải quyết. 

Cá nhân mình cho rằng đây là Content Storytelling sáng tạo mà MC Trấn Thành chính là nhân tố không thể thiếu để tạo nên thành công trong việc truyền tải nội dung. Copywriter và Script Writer đã làm rất tốt vai trò của mình khi tạo ra kịch bản với sự so sánh đối lập cực kỳ thực tế và không kém phần hài hước. Thêm vào đó, dù với độ dài chỉ khoảng 2 phút nhưng video được đầu tư chỉn chu trong từng khung hình giúp tạo cảm giác chuyên nghiệp khi thưởng thức. Các bạn có thể tự xem để hiểu rõ hơn nhé.

Báo cáo thống kê sau chiến dịch 
Trong tuần từ 21/05/2020 đến 28/05/2020, Baemin đạt được:
- 9,5% mức tăng lượt cài đặt ứng dụng.
- 4,2 điểm về độ cải thiện khả năng nhớ đến quảng cáo.
- 3,5 điểm về độ cải thiện mức độ nhận biết thương hiệu không cần hỗ trợ.

Chiến dịch 2: Thử chút Healthy – Amee x Karik x Baemin
Key Message: “Sống lành mạnh, yêu thương bản thân.”
MV “Em bé” đánh dấu cột mốc 1 năm Baemin có mặt tại thị trường Việt Nam, đồng thời cũng là MM đầu tay của thương hiệu “mèo mập”.

Ở thời điểm mới ra mắt, MV đã nhanh chóng thu hút đông đảo người dùng thảo luận trên tất cả các kênh Social Media. Ngoài sở hữu 2 gương mặt đắt giá là cô nàng Amee vốn đã nổi tiếng với những MV chục triệu views on Youtube, cùng rapper Karik tại hiện tượng Rap Việt, Baemin cũng không ngại chi tiền booking KOLS khác cho chiến dịch như: Châu Bùi, Helly Tống, Emmi Hoàng và Hana Giang Anh nhằm tăng Buzz Volume (tổng lượng thảo luận). Qua đó giúp Virality Score (chỉ số lan truyền) đạt 0,82, một con số không hề tồi.

Content
Nếu chiến dịch đầu tiên: “PNNYATHTV” bắt trend “Bad Boy”, thì với MM “Em bé”, đội ngũ Marketing nhanh chóng đưa trend “Healthy Life” làm main content.

Bằng việc đánh trúng insight của phụ nữ hiện đại với mong muốn sống Healthy, nội dung MV cho khán giả thấy phụ nữ dù ở thời kỳ nào cũng đều là “em bé” trong mắt người yêu, và họ phải luôn yêu thương bản thân bằng lối sống lành mạnh, duy trì thói quen ăn uống Healthy.

MV thành công nhờ việc xoáy trúng “nỗi đau” người phụ nữ. Dù mạnh mẽ, can trường đến đâu, họ vẫn luôn “nhỏ bé” trong mắt người yêu. Kể cả khi đã lập gia đình, họ vẫn mãi là “em bé” trong mắt bạn đời.
 
Báo cáo thống kê sau chiến dịch 
- Đạt 11 triệu views sau 2 tuần, lọt top Trending Youtube chỉ sau 3 ngày ra mắt.
- Tổng lượng thảo luận (Buzz Volume): 41,472
- Chỉ số cảm xúc (Sentiment Score): 0,81
- Audience Scale  Lượng người tham gia thảo luận: 29,839
- Chỉ số thảo luận liên quan (Relevancy Score): 0,28
- Chỉ số lan truyền (Virality Score): 0,82

Chiến dịch 3: Ngọt – JustaTee x Rhymastic x Baemin

Key Message: “Đôi khi những điều ngọt ngào nhỏ mỗi ngày lại là điều ta cần nhất.”

Chiến dịch số 3 và cũng là cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại của Baemin chính thức gia nhập đường đua MM bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng như: Omo, Mirinda, Sting,… trong năm 2021.

Content
Với Ngọt, yếu tố content storytelling trong MV đã không còn. Thay vào đó, một nội dung mới được đưa vào nội dung trong MV, đó là: “Triết lý Obangsaek.”

Theo quan niệm của người Hàn, có năm màu sắc bao gồm đen, đỏ, xanh, trắng và vàng tượng trưng cho ngũ hành, được gọi là Obangsaek. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy năm màu này thường xuất hiện cố định trong các món ăn Hàn Quốc. Chúng lần lượt đại diện cho các yếu tố: Nước – Lửa – Kim loại – Cây – Đất trong tự nhiên, sự kết hợp đầy đủ các màu sắc này trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc không chỉ giúp âm dương hài hòa mà còn giúp vạn vật cân bằng.

Đáng chú ý, MV Ngọt xuất hiện đủ cả 5 màu sắc này. Đặc biệt hơn, màu vàng đóng vai trò chủ đạo xuyên suốt toàn bộ video. Trong ẩm thực, “vàng” là một trong những màu sắc tạo ra sự vui vẻ, hạnh phúc, giúp người nhìn cảm nhận được sự tích cực món ăn đem lại. Chẳng thế mà, logo các thương hiệu ẩm thực lớn trên thế giới đều ít nhiều sử dụng màu vàng như một cách nhằm thể hiện sự tích cực của ẩm thực đến với mọi người.

——————–

Như đã nói ở phần mở đầu, mình hoàn toàn “thất vọng” với  MV ADS lần này của Baemin. Bởi như các bạn thấy, “mang tiếng” MV ADS nhưng content… không Ads chút nào ngoại trừ đoạn outro ở cuối.

Thế nên là, việc phân tích MV “Ngọt” cũng “nên” được dừng lại tại đây thôi nhỉ? Vì mới ra mắt nên các thông số chưa kịp thời cập nhật, mình sẽ bổ sung sau ngay khi có thông tin mới.

Nhận định tổng quan
- Lọt top #10 Trending Youtube với hơn 1 triệu views chỉ sau 2 ngày ra mắt.
- Yếu tố Content Storytelling giảm dần qua 3 video. Điều này hợp lý khi qua từng năm, xu hướng content “mỳ ăn liền” ngày càng được ưa chuộng. Content trong MV nếu không thực sự thu hút hoặc tính chất “không đủ” để chuyển hóa thành storytelling thì tốt hơn hết là làm – bình – thường.
- Một lần nữa, “Em bé” và “Ngọt” cho chúng ta thấy thực tế thị hiếu độc giả + yếu tố quảng cáo đã và đang THƯƠNG MẠI HÓA âm nhạc như thế nào. Mình còn nhớ trong gameshow gần đây có rapper Rhymastic tham gia, anh đã nói một câu thế này: “Anh chắc chắn sẽ làm việc với bọn em. Cho anh 1 con số. Anh không chỉ làm việc để giúp đỡ, anh làm là để “make money”, và bọn em cũng thế.”

Cuối cùng, đây là ý kiến cá nhân: “Mình cho rằng “Ngọt” sẽ khó có thể viral được như “Em bé”.Không phải bởi chất lượng kém hơn. Lý do nằm ở chỗ ca từ và giai điệu không bắt tai bằng. Vì dẫu sao, JustaTee và Rhymastic đều không phải nhân tố đủ lực thu hút “khán giả thị trường”. Thứ âm nhạc họ mang lại có chất riêng và mang màu sắc “Underground.”

IV. KẾT LUẬN
Sự thành công của Baemin ngoài có sự hậu thuẫn của các ông lớn, thì các chiến lược Marketing bài bản cũng là yếu tố không thể thiếu giúp họ làm nên chiến thắng. Đặc biệt trong Music Marketing, Baemin cho thấy họ sở hữu rất tốt năng lực thấu cảm các xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, việc sáng tạo các nội dung trong từng video cũng chứng minh Baemin có khả năng phân tích thị trường và nghiên cứu đối tượng khách hàng qua từng chiến dịch vô cùng kỹ lượng.

Rất khó để một thương hiệu du nhập vào Việt Nam có thể tồn tại chứ chưa nói đến việc phát triển và đe dọa các “ông lớn” cùng lĩnh vực. Ấy thế mà, Baemin đã chứng minh điều ngược lại sau 3 năm khuấy đảo thị trường “Food Delivery Việt”. Có thể nói, Baemin không phải kẻ được chọn để sẵn sàng chiến thắng. Sau tất cả, họ là người được chọn để tạo nên chiến thắng.

Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn:
- Báo cafeF
- Báo Tuổi trẻ
- Báo VNE
- Báo taichinhdoanhnghiep
- Esight

——————–

CONNECT WITH ME:
☎️ Mobile: 0989.328.198
📬 Gmail: nguyenngocnam2028@gmail.com
📌 Fiverr: http://bit.ly/fiverrnnn
🌐 Website: lovebookslovelife.vn

🎙 FOLLOW ME:
👉 First Channel: https://linktr.ee/bacham
👉 Donate here:
BAEMIN BRAND - [CASE MARKETING]
Published:

Owner

BAEMIN BRAND - [CASE MARKETING]

Published:

Creative Fields